Tôi đi khám sức khỏe nhiều lần đo đều có huyết áp thấp (90/60mmHg). Mặc dù hiện tại tôi không có biểu hiện gì bất thường nhưng tôi nghe nói huyết áp thấp cũng nguy hiểm. Xin hỏi bác sĩ nguyên nhân do đâu? Nên tập luyện thế nào?
Khiếu Văn Lượng(Lạng Sơn)
Chỉ số huyết áp đạt dưới 100/60mmHg được coi là huyết áp thấp. Huyết áp thấp được chia thành huyết áp thấp sinh lý và huyết áp bệnh lý. Huyết áp thấp sinh lý thường gặp ở những người khỏe mạnh với đặc điểm huyết áp thấp duy trì trong suốt cuộc đời, không phát hiện được những biến đổi bệnh lý khi chẩn đoán lâm sàng. Huyết áp thấp sinh lý có thể là huyết áp thấp do thể tạng - di truyền, huyết áp thấp do rèn sức bền thường xuyên, ví dụ ở vận động viên chạy, bơi, đạp xe cự ly dài và huyết áp thấp ở cư dân sống trên vùng núi cao do sự bù trừ thích nghi trong điều kiện thiếu ôxy. Huyết áp thấp bệnh lý thường được phân ra thành: tụt huyết áp cấp và huyết áp thấp mạn tính. Trường hợp huyết áp thấp nhưng không có biểu hiện gì về sức khỏe thì thuộc huyết áp thấp mạn tính và không đáng lo. Tuy nhiên, nếu huyết áp thấp với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, rối loạn chức năng tim mạch: đau ngực trái, rối loạn nhịp tim, điện tim biến đổi... thì người bệnh cần khám và điều trị vì tụt huyết áp cấp cũng có thể dẫn đến tai biến (nhũn não). Tập luyện các bài tập thể dục trong 10 - 15 phút, 2 - 3 lần/ngày cũng rất tốt. Tuy nhiên, những người huyết áp thấp cần tránh tập các bài tập rèn sức mạnh các nhóm cơ với cường độ lớn và trong thời gian dài. Khi cảm thấy không được khỏe, mỏi mệt, chóng mặt, đau đầu có thể tập tại nhà với các bài tập thể dục, tốt nhất là tập một số động tác ở tư thế ngồi hoặc nằm trên sàn.
BS. Nguyễn Văn Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét